Tim bẩm sinh thông liên nhĩ là một bệnh tim bẩm sinh khá phổ biến. Ba mẹ hãy cùng Mẹ Bon tìm hiểu về bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ nhé. Đây là các nội dung chuyên môn Mẹ Bon tham khảo từ bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Mẹ Bon tổng hợp và viết theo cách gần gũi, đời thường để ba mẹ chúng ta dễ hiểu hơn.
TIM BẨM SINH THÔNG LIÊN NHĨ LÀ GÌ ?
Tim trẻ bình thường được phân thành 4 buồng. Hai buồng phía trên là 2 tâm nhĩ được ngăn kín bởi VÁCH LIÊN NHĨ. Còn 2 buồng dưới là 2 tâm thất được ngăn cách bằng vách liên thất.
Thông liên nhĩ là trên vách liên nhĩ của tim bé có một lỗ thông giữa 02 tâm nhĩ.
THÔNG LIÊN NHĨ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN BÉ?
Khi có một lỗ thông trên vách liên nhĩ thì MÁU ĐỎ sẽ đi từ nhĩ trái sang nhĩ phải.
- Lỗ thông NHỎ: Thì lượng máu đi qua 2 nhĩ ít và bé chúng ta thường sẽ không có triệu chứng.
- Lỗ thông LỚN: Thì sẽ làm lượng máu LỚN sẽ từ nhĩ trái đi qua nhĩ phải. Dẫn đến, tim bên phải hoạt động quá sức và bị DÃN LỚN. Ngoài ra, điều này còn làm cho động mạch phổi phải nhận nhiều máu hơn bình thường dẫn đến áp lực động mạch phổi cao và dẫn đến CAO ÁP PHỔI.
TIM BẨM SINH THÔNG LIÊN NHĨ CÓ TRIỆU CHỨNG NÀO?
Tùy vào kích thước của lỗ thông sẽ có triệu chứng khác nhau. Cụ thể như sau:
- Lỗ thông NHỎ: có thể không gây ra triệu chứng đáng kể nào cho bé.
- Lỗ thông LỚN: có thể biểu hiện các triệu chứng như sau:
+Thở nhanh hoặc khó thở
+ Nhanh mệt khi chơi
+ Nhịp tim bất thường
+ Bé chậm lên cân
+ Bé thường bị các vấn đề về hô hấp như viêm phổi hoặc viêm phế quản
NGUY CƠ CỦA TIM BẨM SINH THÔNG LIÊN NHĨ:
Nếu lỗ thông liên nhĩ của bé lớn mà không được điều trị thì có thể tăng nguy cơ bị các vấn đề về tim mạch sau này như: suy tim, đột quỵ và cao áp phổi. Vì vậy, ba mẹ hãy cho bé thăm khám thường xuyên và thực hiện theo các chỉ định của bác sĩ nhé.
LÀM SAO BIẾT TRẺ CÓ BỊ THÔNG LIÊN NHĨ HAY KHÔNG?
Với sự phát triển của y học hiện nay, việc phát hiện thông liên nhĩ khá dễ dàng. Để phát hiện ra tim bẩm sinh thông liên nhĩ, chúng ta có thể thực hiện những hoạt động như sau:
- Khám tầm soát tim mạch cho trẻ
- Siêu âm tim
- Xquang ngực
- Đo điện tâm đồ (ECG)
ĐIỀU TRỊ THÔNG LIÊN NHĨ CÓ KHÓ KHÔNG?
- Nếu lỗ thông NHỎ có thể không gây bất kỳ vấn đề gì cho trẻ và nó có thể tự bít theo thời gian khi trẻ lớn lên. Trong trường hợp này chúng ta sẽ chỉ cần theo dõi và tái khám tim mạch theo hẹn của bác sĩ.
- Nếu lỗ thông LỚN sẽ gây ảnh hưởng lên tim của bé. Loại thông liên nhĩ này thường cần được phát hiện, điều trị và can thiệp sớm.
CAN THIỆP TIM MẠCH THÔNG LIÊN NHĨ
- Bít dù thông liên nhĩ: Đa số các trường hợp TLN có thể bít lại bằng dụng cụ (đóng dù thông liên nhĩ). Phương phương này được gọi là thông tim hay can thiệp nội mạch.
- Phẫu thuật vá thông liên nhĩ: là vá triệt để lỗ thông liên nhĩ bằng miếng vá ngoài màng tim.
Tùy theo vị trí, kích thước và các rìa của lỗ thông liên nhĩ, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp can thiệp cho trẻ phù hợp.
Hiện nay, kỹ thuật can thiệp tim mạch đã rất phát triển. Theo kinh nghiệm của Mẹ Bon, Ba mẹ có thể tìm hiểu thêm về các phương pháp phẫu thuật vá thông liên nhĩ đường bên dưới nách. Phẫu thuật này có tính thẩm mỹ cao, ít đau sau mổ và giúp bé nhanh hồi phục hơn so với phẫu thuật truyền thống.
Nguồn: Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố
Mẹ Bon biên tập và tổng hợp. #Mebon0406