Trong khi đang mang thai, cha mẹ mong muốn nhất là biết con mình có khỏe mạnh hay không. Tuy nhiên, nếu bác sĩ siêu âm cho biết rằng “em bé của bạn có thể sinh ra với bệnh tim bẩm sinh”, điều đó sẽ là một cú sốc lớn với cha mẹ. Ba mẹ sẽ trải qua nhiều cảm xúc như lo lắng, sợ hãi, tủi thân và đôi khi là tự trách mình.
Những cảm xúc này rất bình thường của chúng ta. Ba Mẹ Bon đã trải qua hết những cảm xúc này khi nghe thông báo về bệnh bệnh tình của con. Chúng ta có thể buồn, có thể sợ hãi. Nhưng điều quan trọng là cha mẹ cần sẵn sàng cả kiến thức và tâm lý để đồng hành cùng con. Vì trong tương lai, chúng ta cần vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách. Ba mẹ hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ nhé.
BỆNH TIM BẨM SINH LÀ GÌ?
Tim bẩm sinh là dị tật phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ 8/1000 trẻ. Là cha mẹ, chúng ta thường lo lắng về khả năng sống sót của bé và cách chăm sóc bé khi mắc bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, chúng ta hãy bình tĩnh và từ từ vượt qua nhé. Hiện nay, bệnh tim bẩm sinh được điều trị bằng cách can thiệp và phẫu thuật. Bệnh tim bẩm sinh được coi là một bệnh mạn tính hơn là một bệnh nan y. Và 85% trẻ mắc tim bẩm sinh có thể sống đến tuổi trưởng thành.
Để đồng hành cùng con, ba mẹ chúng ta cũng nên thường xuyên tham khảo lời khuyên từ bác sỹ. Từ đó, chúng ta sẽ giúp ba mẹ lường trước những khó khăn phải đối mặt khi chăm sóc bé bị tim bẩm sinh. Cũng như chuẩn bị đầy đầy đủ tinh thần và vật chất để đồng hành cùng bé vượt qua những khó khăn.
HỌC CÁC KỸ NĂNG CHĂM SÓC BÉ TIM BẨM SINH
Chăm sóc bé bị tim bẩm sinh đôi khi là một nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ này đòi hỏi ba mẹ chúng ta phải học và áp dụng các kỹ năng đặc biệt. Trong một số trường hợp, ba mẹ chúng ta sẽ phải chăm sóc cho bé trong khu chăm sóc tích cực sơ sinh. Như trường hợp của Bon, Bon phải nằm trong khu điều trị chăm sóc tích cực sơ sinh tới 1 tháng mới được về nhà. Bon cũng can thiệp đặt stent lúc mới 21 ngày tuổi. Trải qua giai đoạn khó khăn, dần dần ba mẹ chúng ta sẽ có nhiều hơn kinh nghiệm để chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ con.
Khi bé cần phẫu thuật tim hở, việc ăn uống của bé có thể bị ảnh hưởng. Một số trường hợp đặc biệt, bé ăn qua sonde để đảm bảo sức khỏe. Ba mẹ chúng ta cần chú ý đến việc tăng cân của bé, đảm bảo bé ăn đủ năng lượng. Nhưng ba mẹ cũng đừng áp lực quá vì sẽ khiến chúng ta stress. Chúng ta nên xác định ngay từ ban đầu rằng trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thì sẽ tăng cân chậm hơn so với trẻ bình thường. Từ đó, chúng ta sẽ bình tĩnh, an yên hơn trong quá trình chăm sóc và đồng hành cùng con.
TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ BỆNH TIM BẨM SINH CỦA BÉ
Bên cạnh việc chăm sóc, ba mẹ cũng cần tìm hiểu thông tin liên quan bệnh tim bẩm sinh mà bé mắc phải. Các thông tin này đã được đăng tải nhiều trên phương tiện truyền thông. Việc tìm hiểu thông tin này đôi khi làm cho ba mẹ bị quá tải.
Việc đắm chìm quá nhiều vào việc tìm kiếm thông tin có thể dẫn đến sự rối loạn, mất hướng trong việc tìm hiểu về cách chăm sóc và điều trị cho bé nhà mình. Vì vậy, ba mẹ cần biết cách chọn lọc thông tin bằng cách truy cập các trang thông tin uy tín và chính xác. Đặc biệt, ba mẹ nên tham khảo các website, kênh thông tin chính thống từ các bệnh viện đầu ngành về tim bẩm sinh.
Với kinh nghiệm của Mẹ Bon, ba mẹ không nên tham khảo trang tin nhảm, giật tít, câu view. Vì sẽ làm chúng ta hoang mang và mất phương hướng trong hành trình điều trị cho con. Chúng ta hãy tìm hiểu một cách thông minh, có chọn lọc, bình tĩnh, an yên, luôn hi vọng. Chính con của chúng ta sẽ cảm nhận được những nguồn năng lượng tích cực từ chính ba mẹ mình. Từ đó, con sẽ cảm thấy an toàn, vững tin hơn trong quá trình hợp tác điều trị bệnh.
TÌM HIỂU VÀ QUAN TÂM ĐẾN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH
Trẻ mắc tim bẩm sinh thường có hệ miễn dịch yếu hơn bình thường. Bé có thể cần phải nhập viện, mất nhiều thời gian để hồi phục sau khi bệnh. Ba mẹ nên chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe của con bằng cách thực hiện biện pháp phòng ngừa bổ sung. Một trong những biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm chủng. Ba mẹ hãy đưa con đi tiêm đầy đủ các mũi nhé. Việc tiêm chủng giúp bé chống lại các bệnh nguy hiểm khác và giữ sức khỏe tốt hơn! Và đừng quên đưa con đi khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ nhé.
ĐỐI MẶT VỚI CÁC VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH
Khi phát hiện ra con mắc bệnh tim bẩm sinh, ba mẹ cần chuẩn bị thật kỹ về Tài Chính. Chi phí phẫu thuật tim bẩm sinh có thể rất lớn, gây khó khăn cho gia đình. Ngay cả khi bé có bảo hiểm y tế, chi phí phẫu thuật vẫn rất cao. Ngoài chi phí phẫu thuật, còn có thêm chi phí thuốc men, tái khám. Điều này khiến các gia đình đối mặt với áp lực tài chính nặng nề. Để chuẩn bị tốt, ba mẹ cũng nên tham khảo trước chi phí và có sự chuẩn bị kỹ càng. Để chuẩn bị chi phí phẫu thuật cho Bon, Ba mẹ Bon đã lên kế hoạch tài chính chi tiết. Mỗi giai đoạn sẽ có lộ trình đầy đủ để luôn có sự chuẩn bị tốt nhất.
Bên cạnh đó, ba mẹ cũng có thể tham khảo một số chương trình hỗ trợ phẫu thuật miễn phí. Rất nhiều tổ chức có chương trình hỗ trợ phí phẫu thuật cho bị tim bẩm sinh. Nhờ vào sự đóng góp của các mạnh thường quân, những gia đình khó khăn về tài chính đã được hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật và chữa trị cho các bé.
KẾT NỐI VỚI NHỮNG BA MẸ KHÁC CÙNG CÓ CON MẮC TIM BẨM SINH
Chăm sóc cho trẻ bị tim bẩm sinh không chỉ đơn giản là điều trị một lần là xong. Trẻ bệnh tim bẩm sinh đôi khi cần theo dõi suốt đời. Khi ba mẹ gặp khó khăn, lo lắng, hãy nhờ sự tư vấn giúp đỡ từ mọi người. Việc chia sẻ rổi nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng là rất quan trọng. Mẹ Bon khuyên ba mẹ nên tham gia vào các cộng đồng gia đình có con bị tim bẩm sinh. Khi tham gia vào cộng đồng, ba mẹ cùng nhau chia sẻ, tìm hiểu cách giải quyết những vấn đề khó khăn. Đôi khi Ba mẹ tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia, cộng đồng để cùng đồng hành với bé. Từ đó, ba mẹ có kiến thức, kinh nghiệm trên hành trình phục hồi sức khoẻ tốt nhất cho con.
Mẹ Bon – Tuấn Oanh #mebon0406